KIÊN TRÌ

KIÊN TRÌ

Posted on:
Bạn có từng nghe câu: “Giông bão sẽ khiến cây cối bám rễ sâu hơn” chưa? Cây cối có thể thích nghi để sinh trưởng, kể cả đang trong cơn bão. Khó khăn trong cuộc sống sẽ không thể nào tránh khỏi, nhưng phản ứng thế nào thì điều đó phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta.
Đối với tụi mình, Tiến – quản lý trang trại Đăk Pne 2 là một minh chứng cho sự tương đồng với triết lý sống này.
Anh bắt đầu làm việc ở trang trại Đăk Pne 2 từ năm 2017. Sau khoảng thời gian từ thử việc, anh lựa chọn tiếp tục hành trình thực hiện hữu cơ tại trang trại Đăk Pne đến nay.
Thời gian đầu làm việc, mọi thứ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết bởi Đăk Pne 2 là một trang trại đặc biệt. Ở đây chưa có đủ điều kiện vật chất để sinh hoạt hay làm việc như điện, nước, wifi, rất khó bắt sóng điện thoại, lại nằm chơ vơ giữa núi rừng Đăk Pne, Kon Rẫy, Kon Tum, cách thành phố Kon Tum 70 cây số. Thế mà, thay vì chọn bỏ cuộc, anh học cách thích nghi dần với những thiếu thốn nơi đây. Anh nghĩ vì bản thân mình là nông dân, cốt là người nhà nông, không có gì ngoài cần mẫn lao động và học hỏi cả nên dù thiếu chút điện, nước, thiếu wifi hay sóng điện thoại cũng chẳng sao. Như vậy anh càng tập trung học tập và sáng tạo. Anh tâm niệm “có thể nghèo vật chất nhưng không thể để mình nghèo tri thức được.” Chính cái tính kiên trì này giúp anh nhìn nhận công việc và cuộc sống theo hướng tích cực và trở nên lạc quan hơn.
Hằng ngày, anh quản lý 2 trang trại hữu cơ mẫu gần 20 ha nên phải tiếp xúc và làm việc với hầu hết là người nông dân Bahnar. Anh biết người nông dân tại Đăk Pne còn nghèo vì chưa có tính kỷ luật trong công việc. Làm việc với người nông dân Bahnar không phải dễ dàng gì. Nhưng tụi mình chưa bao giờ thấy anh bỏ cuộc, kêu khó, kêu khổ cả. Anh vẫn kiên trì kêu gọi và động viên họ đi làm mỗi ngày.
Mỗi tối, sau khi hoàn thành công việc, anh đều dành thời gian chạy đến trạm thủy điện để nhờ các anh quản lý trạm tạo điều kiện để học tập và làm việc bằng kết nối internet. Anh không cho phép bản thân mình trở nên lười biếng hay tụt lại phía sau bởi hoàn cảnh thiếu thốn hiện tại. Anh vẫn đều đặn báo cáo công việc cho quản lý, trao đổi với đồng nghiệp cũng như học hỏi thêm kiến thức về nông nghiệp hữu cơ. Rồi những báo cáo của anh bằng Tiếng Việt cũng dần chuyển thành báo cáo Tiêng anh. Hóa ra, anh vẫn chăm chỉ học tiếng dù thời gian ít ỏi vào buổi đêm.
Bây giờ, mọi thứ đã dần thay đổi qua 6 năm. Mảnh đất hoang sơ giờ đã trở nên tràn đây sức sống của những hàng cây dài ngày và ngắn ngày. Bây giờ chào đón tụi mình là những cái cây đang lớn. Không khí cũng thay đổi. Người nông dân Bahnar cũng thay đổi tập quán thâm canh đốt rừng làm rẫy truyền thống để tiếp cận, thực hành làm nông nghiệp bền vững và góp sức vào việc trồng và chăm sóc cây, phát triển cùng Biophap. Tiến cũng khác, anh ở vị trí cao hơn, trở thành quản lý trang trại giỏi giang và mạnh mẽ.
Bạn nghĩ xem, sẽ không quá khó khăn nếu như bạn biết đích đến của mình là gì và bạn kiên trì để thực hiện điều đó. Ở vùng đất Đăk Pne này cũng chứng kiến nhiều bạn trẻ xin thực tập làm nông nghiệp hữu cơ nhưng đâu phải ai cũng chịu được sự thiếu thốn ở nơi đây. Vì thế tìm được những bạn trẻ như Tiến thì hiếm lắm. Để trở thành một nông dân hữu cơ thông minh như bây giờ anh phải đánh đổi nhiều thứ, nhưng thay vì than vãn thì anh lại chọn học cách thích nghi, học cách yêu trang trại, học cách yêu lối sống mình chọn, học cách phát triển bản thân. Đây là điều khiến tụi mình rất nể phục Tiến – Một tấm gương cho sự kiên trì, nghị lực và chuyên nghiệp mà ít bạn trẻ nào làm được khi dấn thân chuyển đổi nền nông nghiệp hữu cơ ở vùng sâu vùng xa.
Share:

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

X